Trường sư phạm... có gì?
Tính đến tháng 3/2019, cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Trong bối cảnh chung, trường đại học sư phạm lớn, đại học đa ngành vẫn giữ được sức hút với người học ở một số ngành. Hầu hết trường cao đẳng sư phạm địa phương hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, thiếu liên kết với hệ thống giáo dục các tỉnh thành để thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên như tôn chỉ mục đích.
Chương trình giáo dục phổ thông mới như một luồng sinh khí để thúc đẩy hệ thống các trường sư phạm phát triển. Tuy nhiên, tồn tại do khách quan và chủ quan dường như "níu" các trường lại. Đó là vấn đề hạ tầng cơ sở, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Hạn chế về quản trị nhà trường, chất lượng giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu mới đặt ra là rào cản không ít trường đối mặt trong công cuộc đổi mới.
Nhiều nhà giáo dục cho rằng, đổi mới ở hệ thống trường sư phạm lần này mang tính cấp thiết. Các trường buộc phải chuyển từ dạy chữ sang phát triển phẩm chất đạo đức, chú trọng năng lực dạy người. Yêu cầu dạy để người học "biết được gì" sang "làm được gì", với vai trò là "chiếc máy cái" đào tạo giáo viên, nhà trường phải thay đổi chương trình đào tạo nhằm đáp ứng việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS.TS. Đinh Xuân Khoa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chia sẻ: Là trường đại học đa ngành, nhưng đào tạo GV vẫn là thế mạnh của trường. Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GD phổ thông mới, chúng tôi đã chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động đào tạo, từ dạy học theo hướng truyền tải nội dung sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của sinh viên.
Việc xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học vào thực tế dạy học và thực tiễn cuộc sống để làm phong phú hơn kiến thức của người học. Quan điểm chỉ đạo của hội đồng trường, những giáo viên tương lai phải có phẩm chất chính trị và năng lực sư phạm, không chỉ đáp ứng yêu cầu dạy học nội dung mới mà còn là nhân tố thúc đẩy sự sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nâng cao năng lực thực hành
Thực tế cho thấy, các trường sư phạm đều có đơn vị thực hành. Nơi này là địa chỉ để sinh viên có thể triển khai những gì mình được học vào thực tế. Từ giờ dạy thử nghiệm, nhà trường sẽ sâu sát hơn với hoạt động thực hành sư phạm của sinh viên sao cho việc kết hợp lý luận dạy học, với trải nghiệm thực tế sẽ hình thành phẩm chất, năng lực của giáo sinh một cách hiệu quả nhất.
Nhà giáo Võ Hoàng Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động thực hành tại Trường Sư phạm thực hành (Trường Đại học Trà Vinh), sao cho giáo sinh ra trường thích ứng ngay với công việc. Để làm được điều đó, hoạt động thực tập sư phạm được đề cao, mang tính then chốt, phải thực sự đóng góp hữu ích trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cần thiết của nhà giáo theo mục tiêu đào tạo đã đề ra. Nhà trường khuyến khích giảng viên và sinh viên ứng dụng đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng các phương pháp tiên tiến; đổi mới cách dạy ngay tại trường thực hành sư phạm theo hướng phát huy năng lực của người học, vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Có thể nói, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang của các trường sư phạm. Vẫn biết sẽ có những khó khăn khi triển khai, nhưng hơn ai hết, nhà trường và từng giảng viên - người trong cuộc hiểu rằng, chất lượng đội ngũ có ý nghĩa quyết định chất lượng dạy học. Thế nên, việc đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu mới đòi hỏi mỗi trường, giảng viên phải chuyển từ "Tập trung - Thụ động" sang cách làm "Tại chỗ - Chủ động" trên nền tảng công nghệ 4.0.
Nhà giáo ưu tú Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định: Hoạt động đào tạo GV đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, cần phải đặt trọng tâm ở sự dịch chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh; nghĩa là từ chỗ chú trọng đến việc học sinh học được gì sang quan tâm, phát triển khả năng làm được gì của các em.
Hà An