Khó khăn nhìn từ thực tế

Từ thực tế triển khai ứng dụng CNTT ở các trường học hiện nay cho thấy: Phần lớn giáo viên mong muốn, hứng khởi ứng dụng CNTT trong dạy học, một số lại tỏ ra bình thường và không thích. Tuy vậy, trong quá trình triển khai nhiều giáo viên còn gặp khó khăn bởi hạn chế các kĩ năng như soạn thảo văn bản,

PowerPoint, Internet, nhiều giáo viên chưa đủ điều kiện kinh tế để sắm được máy tính, máy in, có giáo viên còn nhận thức mơ hồ về CNTT, lúng túng khi sử dụng máy tính và các phần mềm, chưa biết khai thác mạng Internet để hỗ trợ đắc lực vào việc tìm kiếm tài liệu bổ sung giáo án.

Mặt khác cũng không hiếm tình trạng giáo viên lạm dụng mạng Internet để khai thác thiếu tích cực giáo án của đồng nghiệp. Sao chép sửa chữa không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện dạy học của trường lớp, học trò, vùng miền. Và hệ quả tất yếu của sao chép là giáo viên không chỉ thụ động, lười nghiên cứu bài giảng, hiệu quả giảng dạy giảm rõ rệt.

Công tác tập huấn cho giáo viên để ứng dụng CNTT vào giảng dạy ở nhiều nơi cũng không được triển khai theo định kỳ, thậm chí bỏ ngỏ. Trong khi đó, để giáo viên ứng dụng thành thạo CNTT, soạn thảo thành thạo giáo án điện tử… luôn đòi hỏi giáo viên tự học tập nghiên cứu và được các chuyên gia trong lĩnh vực tập huấn, giảng dạy thường xuyên. Hiện nay, một số trường đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, song mới chỉ dừng lại ở xóa mù kiến thức tin học.

Cũng chính bởi những nguyên nhân chính này mà đến nay tại đa số các trường vùng khó, nông thôn… việc đổi mới PPDH bằng ứng dụng CNTT, giáo án điện tử vẫn chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, động viên giáo viên sử dụng thay vì trở thành quy định, chỉ tiêu, điều kiện phải đáp ứng khi giáo viên lên lớp.

Triển khai ứng dụng CNTT ở các trường vùng khó, vùng cao, nông thôn càng tồn tại nhiều thách thức trở ngại. Nhiều trường học rơi vào tình trạng thiếu về số lượng trang thiết bị, yếu về năng lực ứng dụng của đội ngũ giáo viên. Hoặc có nơi thiết bị để không vì giáo viên chỉ giảng dạy truyền thống, thiếu đổi mới PPDH, có nơi giáo viên đáp ứng được chuyên môn lại thiếu trang thiết bị.

Sự sáng tạo quyết định thành công

Thầy Hoàng Minh Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Móng Cái (Quảng Ninh) khẳng định: Để ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy giúp nâng cao hiệu quả giáo dục đòi hỏi mỗi giáo viên phải đáp ứng được những năng lực cần thiết. Giáo viên ngoài hiểu biết về lợi ích, hiệu quả của CNTT mang đến trong dạy học cần phải biết cả những khó khăn, hạn chế để tìm cách khắc phục, xử lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Quá trình ứng dụng CNTT vào giảng dạy hết sức tránh tình trạng đổi mới phương pháp dạy học nhưng giáo viên chưa nghiên cứu kỹ, dẫn tới ứng dụng không đúng chỗ, không đúng lúc và thậm chí lạm dụng công nghệ.

Thầy Hoàng Minh Thanh cũng cho rằng: Dù công nghệ có hiện đại đến đâu, song yếu tố quyết định đổi mới phương pháp giảng dạy qua CNTT vẫn là khả năng, sự sáng tạo linh hoạt của các thầy cô. Có những bài giảng sẽ sinh động và giúp HS hứng thú với học tập, tiếp thu nhanh hơn nếu khai thác được hình ảnh trực quan, thông tin mới cập nhật… qua CNTT. Song có những bài học lại hiệu quả hơn học sinh nếu thầy cô áp dụng phương pháp giảng dạy truyền thống hoặc thông qua giáo dục trải nghiệm. Ứng dụng CNTT vào dạy học thực sự cần thiết và mang tới hiệu quả hơn ở các môn khoa học xã hội.

Thầy Hà Trần Hồng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khau Mang cho biết: Trong trường hợp tiếp thu của học sinh vùng cao còn yếu, khó khăn tiếp thu với CNTT hay giáo án điện tử, những bài giảng ứng dụng CNTT không phát huy ưu thế vượt trội thì nhà trường không khuyến khích giáo viên dùng giáo án điện tử. Vấn đề quan trọng, cần thiết trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy bên cạnh đòi hỏi năng lực của người thầy khi sử dụng còn là sự sáng tạo linh hoạt để biến công nghệ thông tin thành lợi thế hiệu quả thay vì cứng nhắc, hoặc sử dụng cho đủ.

Cũng không ít giáo viên phản ánh, để xây dựng một giáo án điện tử mất thời gian, đòi hỏi giáo viên phải có khả năng ứng dụng CNTT thành thạo, phải đầu tư ý tưởng… nhưng thời gian một tiết học theo quy định chung sẽ khó khăn về mặt thời gian để vừa lắp đặt máy móc lẫn truyền tải nội dung đầy đủ. Vì vậy, giáo viên phải biết lựa chọn tùy nội dung, khối lượng kiến thức giảng dạy thông qua cách đổi mới phương pháp dạy học này.

Nhà trường cần động viên khuyến khích với GV có sự tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học… thay vì buộc giáo viên phải triển khai giáo án điện tử thường xuyên nhưng lại không kiểm định về chất lượng thu được sau mỗi giờ dạy.

Ứng dụng CNTT vào giảng dạy là một trong nhiều phương pháp dạy học tiên tiến hiện nay nhưng không phải hiệu quả trong mọi trường hợp áp dụng. Sự lạm dụng trong một số tình huống sẽ mang tới tác dụng phụ. Sử dụng ra sao, khi nào cần thiết… đòi hỏi giáo viên linh động, sáng tạo, chứ không nên quá phụ thuộc để trở nên bị động, chạy theo công nghệ.

Theo Đức Trí (GD&TĐ)