3 mức quy định

Không ai có thể phủ nhận vai trò quyết định của giáo viên đối với thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay; đặc biệt khi chúng ta triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Với yêu cầu mới - giáo viên giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, trọng tài; HS không chỉ là đối tượng của hoạt động dạy mà cũng chính là chủ thể của hoạt động học - thì việc nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên là rất cần thiết nhằm giúp họ có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ dạy học.

Nhấn mạnh điều này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho rằng: Phát triển nghề nghiệp giáo viên cần được kết nối trong việc bồi dưỡng nâng cao những phẩm chất năng lực cốt lõi như: Phẩm chất đạo đức, năng lực phát triển chuyên môn bản thân, năng lực xây dựng môi trường giáo dục… Những năng lực này đã được quy định rõ trong Thông tư ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT ban hành vào tháng 8/2018.

Ông Hoàng Đức Minh

Một trong những năng lực cốt lõi trong phát triển nghề nghiệp của giáo viên được đề cập đến chính là năng lực ngoại ngữ. Theo ông Hoàng Đức Minh, đây là năng lực khiến không ít giáo viên băn khoăn với những câu hỏi: Ngoại ngữ liên quan gì đến môn học mình giảng dạy? Sao cần có năng lực ngoại ngữ trong khi mình không dạy bộ môn ngoại ngữ? Lấy chứng chỉ để chứng minh trình độ ngoại ngữ như thế nào?...

Thấu hiểu những băn khoăn trên, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở GDPT đã quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ theo 3 mức:

Mức đạt: Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc biết ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Mức tốt: Có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

"Các mức đạt về năng lực ngoại ngữ của giáo viên đều quy định về khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc. Minh chứng chứng minh năng lực sử dụng ngoại ngữ của giáo viên không bắt buộc phải là chứng chỉ" - ông Hoàng Đức Minh cho biết thêm.

Không phải là yêu cầu bắt buộc

Nói thêm về vấn đề chứng minh năng lực ngoại ngữ của giáo viên, ông Hoàng Đức Minh chỉ rõ, chứng chỉ ngoại ngữ không phải là minh chứng duy nhất, bắt buộc chứng minh năng lực ngoại ngữ của giáo viên.

Minh chứng có thể là ý kiến ghi nhận/xác nhận của tổ, nhóm chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên về việc giáo viên có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ; hay có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục; có thể viết, trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục... Ngoài ra có thể là những minh chứng khác xác thực, phù hợp khác theo Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở GDPT.

"Việc phát triển năng lực nghề nghiệp là một quá trình, việc bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp cần được diễn ra liên tục. Do vậy, nhằm khẳng định vị thế quan trọng của mình, giáo viên cần lên kế hoạch, lộ trình và thực hiện bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp của mình để đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành trong xu hướng toàn cầu hóa" - ông Hoàng Đức Minh cho hay.

Như vậy, minh chứng chứng minh năng lực sử dụng ngoại ngữ của giáo viên cũng như chứng minh mức đạt của những phẩm chất, năng lực khác mang tính mở để giáo viên có thể đưa các minh chứng phù hợp với thực tiễn dạy học trong nhà trường và địa phương, song vẫn đảm bảo quy định.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Đức Minh cũng lưu ý: Theo quy định trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên, năng lực sử dụng ngoại ngữ được quy định không phải là trọng số bắt buộc phải đạt được mức độ như đạt chuẩn nghề nghiệp tương ứng. Ví dụ, giáo viên có năng lực sử dụng ngoại ngữ ở mức đạt song vẫn có thể đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá nếu các năng lực khác đạt mức khá trở lên.

Ngoài ra, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với giáo viên cũng được thể hiện trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên - theo yêu cầu của Luật Viên chức. Điều này cho thấy, năng lực ngoại ngữ là yêu cầu chung với tất cả các viên chức (trong đó có giáo viên). Như vậy, việc quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ của giáo viên trong chuẩn nghề nghiệp là phù hợp, thống nhất với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Trên tất cả, bản thân giáo viên cần thấy được ích lợi của ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đang làm thay đổi trường học. Trường học trong thế kỷ 21 đã mang tính mở, sinh động, kết nối toàn cầu, bất kỳ nội dung kiến thức nào cũng có thể được tra cứu trên Internet với thời gian cho kết quả được tính bằng giây. Người học cần những thầy cô biết tổ chức việc học, dẫn dắt việc tìm kiếm kiến thức để giải quyết các vấn đề cụ thể, đa dạng trong môi trường học cũng như môi trường thực tế. Do vậy, nhu cầu sử dụng ngoại ngữ trong dạy học là cần thiết. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và ngoại ngữ sẽ giúp giáo viên tham khảo kiến thức từ tài liệu nước ngoài để giúp bài giảng sinh động hơn, học sinh hứng thú hơn.

Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)