Tham dự Hội thảo có đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các Cục, Vụ, Ban Quản lý các Dự án, Dự án RGEP thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các trường ĐHSP/HV tham gia ETEP,  lãnh đạo/chuyên viên các Sở GD&ĐT, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục.


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát triển chương trình đào tạo ThS tiên tiến về quản trị trường phổ thông thuộc Tiểu thành phần 1 của Chương trình ETEP. Đây là hoạt động quan trọng của Chương trình nhằm hỗ trợ hoạt động đào tạo ở trình độ sau đại học cho cán bộ quản lý giáo dục về quản trị nhà trường, trước hết là trường phổ thông.


TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP nhấn mạnh: Chương trình đào tạo ThS tiên tiến về quản trị trường phổ thông hướng đến phát triển năng lực lãnh đạo quản lý trường phổ thông, trong môi trường đổi mới căn bản, toàn diện và phù hợp với những đổi mới chương trình giáo dục ở từng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các đổi mới về lãnh đạo trường học theo xu hướng quốc tế.


PGS.TS Trần Hữu Hoan: "Chương trình được xây dựng dựa trên trục quản trị, từ quản trị chiến lược đến quản trị nhân sự"

Học viện Quản lý giáo dục là đơn vị chủ trì xây dựng Chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến về quản trị trường phổ thông. Chương trình đào tạo này có CT có tham khảo chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc...

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo sau đại học về quản trị nhà trường phổ thông bàn thảo, làm sáng rõ định hướng phát triển Chương trình đào tạo ThS tiên tiến về quản trị trường học; Các yêu cầu đối với Chương trình đào tạo ThS tiên tiến về quản trị trường phổ thông như: Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, có các học phần tự chọn để người học có thể thực hiện được các công việc phù hợp với nhu cầu và sở trường của bản thân như quản lý các trường công lập hoặc trường ngoài công lập; Chương trình đào tạo hướng tới việc phát triển ở người học các năng lực làm việc độc lập, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể, xây dựng, thẩm định kế hoạch, phát hiện, giải quyết những vấn đề về quản lý trường học, năng lực bảo vệ và chịu trách nhiệm về những quyết định quản lý, năng lực tự học kết hợp nghiên cứu thực hành sư phạm ứng dụng trong lãnh đạo các trường học và xây dựng tổ chức học tập.

Từ kinh nghiệm quốc tế và trong nước về đào tạo sau đại học về quản lý giáo dục, đến những vấn đề đặt ra cho hoạt động này trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện Đề cương phát triển Chương trình thạc sĩ tiên tiến mà Học viện Quản lý giáo dục đang xây dựng. Trong đó, đặc biệt lưu ý về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp, làm rõ tính "tiên tiến" thông qua định hướng các nội dung cốt lõi của Chương trình.

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (Học viện QLGD)  trình bày tham luận 

Cùng với đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông được coi là nhân tố trung tâm trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông. Sự sẵn sàng của đội ngũ này trong việc trau dồi, nâng cao năng lực quản trị nhà trường có tác động không nhỏ tới thành công của công cuộc đổi mới giáo dục.

BQL Chương trình ETEP