Với nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa mới; hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường; hướng dẫn biên soạn và thực hiện tài liệu giáo dục của địa phương; hướng dẫn lựa chọn sách triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.

Bộ GD&ĐT đồng thời triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình mới. Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT, sách giáo khoa mới. Hướng dẫn các địa phương chuẩn bị CSVC, thiết bị thực hiện chương trình GDPT, sách giáo khoa mới.

Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình mới với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội nghị các trường sư phạm triển khai nhiêm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GDPT thực hiện chương trình GDPT mới; Ban hành Kế hoạch số 130/KH-BGDĐT ngày 19/02/2019 về biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới.

 Ông Nguyễn Viết Lộc - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT phát biểu tại họp báo

Hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017-2025; đề nghị các sở GDĐT thực hiện Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT trong đó nêu rõ các nhiệm vụ triển khai chương trình mới đối với các cơ quan QLGD ở địa phương và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; đến nay, hầu hết các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai.

Tổ chức làm việc tại một số địa phương (tỉnh Điện Biên, tỉnh Quảng Nam) về việc thực hiện sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học và công tác chuẩn bị CSVC, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình GDPT mới.

Cùng với các nhiệm vụ về Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong quý II/2019, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tập trung tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019);

Trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; Chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2019; Tham mưu Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện các nhiệm vụ 19 và 34 theo Quyết định số 85/QĐ-BKHĐT ngày 29/01/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ xây dựng Chiến lược 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2019: tập huấn trước cho trên 70.000 giáo viên dạy lớp 1

Trao đổi tại cuộc họp báo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT - cho biết để tập trung cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 vào năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn trước bằng cả hình thức trực tiếp và qua mạng cho 70.000 giáo viên dạy lớp 1 trong tổng số 350.000 giáo viên tiểu học.

 PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, trong kế hoạch của Bộ GD&ĐT sẽ phải tập huấn cho trên 900.000 giáo viên từ tiểu học đến THPT, tập huấn cho cán bộ giáo dục các cấp, hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông.

Theo lộ trình sẽ triển khai tập huấn cán bộ, giáo viên cốt cán trước cho khoảng 1.000 cán bộ cấp sở, phòng GD&ĐT, khoảng 4.000 hiệu trưởng, hiệu phó, trên 7.000 tổ trưởng bộ môn.

"Điểm mới của việc tập huấn giáo viên lần này sẽ không chỉ chú trọng lý thuyết dạy học, mà chủ yếu tập trung tập huấn qua công việc cụ thể (tình huống dạy học, bài học cụ thể)" - ông Nguyễn Xuân Thành trao đổi.

Cũng liên quan tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Thành cho biết việc chuẩn bị bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì cũng sẽ làm trước ở lớp 1.

Theo đó, cuối năm 2019, bản thảo cơ bản sẽ hoàn tất và triển khai dạy thực nghiệm. Hè năm 2020 sẽ phải có sách để tập huấn giáo viên. Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc với 63 tỉnh thành trong việc triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất trường học, sắp xếp các điểm trường, lớp học đảm bảo yêu cầu mới.

Theo GD&TĐ, tuoitre.vn