Tham dự Hội nghị có TS. Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Đặng Thị Thanh Huyền và Bà Ngô Thị Thanh Thủy, Chuyên gia tư vấn Chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng chức năng của Sở Giáo dục và Đào tạo 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành thị, các Trường THPT, THCS, Tiểu học của 3 tỉnh. Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Trần Bá Tiến - Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban quản lý Chương trình ETEP; các thành viên trong Ban Quản lý Chương trình ETEP; đại diện các khoa, viện đào tạo, giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia công tác bồi dưỡng.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Năm 2020, thực hiện Kế hoạch số 41/KH-BGDĐT ngày 22/01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt, Trường Đại học Vinh đã tổ chức 10 đợt bồi dưỡng trực tiếp cho gần 6.000 lượt giáo viên phổ thông cốt cán của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là những giáo viên được các trường, phòng, sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn đi bồi dưỡng làm nòng cốt triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán, Trường Đại học Vinh đã điều động 87 giảng viên sư phạm chủ chốt của các khoa, viện trong Trường, trong đó có 21 Phó Giáo sư, 60 Tiến sĩ. Nhà trường cũng đã dành phần lớn cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho các đợt bồi dưỡng; hợp đồng với các nhà thầu bố trí nơi ăn ở, xe đưa đón học viên.

Với phương thức bồi dưỡng 5-3-7 (5 ngày bồi dưỡng trực tuyến qua hệ thống LMS, 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp tại Trường Đại học Vinh và 7 ngày học viên tự hoàn thành bài học qua hệ thống LMS với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt), giáo viên phổ thông cốt cán đã được hướng dẫn, tập huấn nội dung Mô đun 2 - Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và Mô đun 3 - Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo từ việc sắp xếp lịch bồi dưỡng, phân công giảng viên chủ chốt, bố trí cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, chăm lo nơi ăn, chốn nghỉ cho học viên nên Trường Đại học Vinh đã hoàn thành tốt chương trình bồi dưỡng. Học viên hoàn toàn yên tâm chủ động, tích cực học tập, đa số tự tin sẽ triển khai tốt cho giáo viên đại trà và áp dụng các kiến thức, phương pháp đã học trong giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sau bồi dưỡng trực tiếp, giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên phổ thông cốt cán đã tiếp tục hỗ trợ được cho gần 80.000 lượt giáo viên phổ thông đại trà tự bồi dưỡng qua hệ thống LMS.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương, TS. Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những kết quả của Trường Đại học Vinh đã đạt được trong công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông năm 2020. Kết quả đó phản ánh được sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao của Trường Đại học Vinh phối hợp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh. Bước sang năm 2021, Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trường Đại học Vinh tiếp tục phát huy những thế mạnh đã và đang có để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên phổ thông các Mô đun tiếp theo.

TS. Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương phát biểu

TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh cho biết, mặc dù tiến độ năm 2020 bị dồn vào cuối năm, điều kiện tổ chức nhiều đợt học không thuận lợi (mưa lũ tại miền Trung) nhưng với sự quyết tâm cao của Nhà trường, sự nỗ lực của học viên, sự phối hợp nhịp nhàng của lãnh đạo, chuyên viên các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo nên Chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán tại Trường Đại học đã hoàn thành đúng tiến độ, đúng kế hoạch đã đề ra, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp sâu sắc đối với học viên về Trường Đại học Vinh, Chương trình ETEP.

TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh phát biểu

Đối với bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà, tính đến 15/12/2020, cả 3 Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 70.576 giáo viên phổ thông đại trà được cấp tài khoản LMS; 51.681 giáo viên phổ thông đại trà đã đi học Mô đun 1 và có 36.735 giáo viên phổ thông đại trà hoàn thành Mô đun 1. Thống kê số giáo viên phổ thông đại trà tham gia khảo sát và tỷ lệ hài lòng bồi dưỡng Mô đun 1 ở cả 3 tỉnh cho thấy có 46.320 giáo viên phổ thông đại trà đã tham gia khảo sát, trong đó 39.196 người đánh giá hài lòng (chiếm 84,6%).

Thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu đồng ý với những kết quả của Trường Đại học Vinh đã đạt được trong năm 2020 và mong muốn Nhà trường sẽ tiếp tục làm tốt công tác bồi dưỡng trong năm 2021. Nhiều ý kiến cũng đề xuất thêm các giải pháp để Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Vinh khắc phục các vướng mắc và những hạn chế trong năm 2020. Đặc biệt, việc nâng cấp đường truyền và các điều kiện đảm bảo để giáo viên phổ thông cốt cán tự bồi dưỡng, tự hoàn thành bài học qua hệ thống LMS cần phải được chú ý đầu tư hơn. Song song đó, lịch bồi dưỡng trực tiếp cần bố trí hợp lý hơn, có thời gian giãn ở giữa các mô đun để giáo viên cốt cán lắng lại, nghiên cứu lại, phân tích lại, từ đó rút ra những ưu điểm, hạn chế của bản thân trong quá trình tiếp thu để có những giải pháp bổ cứu.

Đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để Trường Đại học Vinh thực hiện tốt hơn công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông trong năm 2020

TT. ETEP