Vai trò những người tiên phong
Trong công cuộc xây dựng đất nước của thời đại công nghiệp 4.0, mọi ngành nghề đều phải "làm mới" mình. Ngành Giáo dục - ngành đào tạo con người, dẫn dắt con người tới tương lai luôn phải dẫn đầu trong công cuộc đổi mới để "sản sinh" ra những con người luôn biết tự đổi mới, có tư duy, năng lực thích ứng với thời đại mới. Và như vậy, không chỉ cơ chế, nội hàm chương trình đào tạo, sách giáo khoa mà trước hết mỗi thầy cô phải tự "làm mới" chính mình.
Thời đại người thầy truyền thụ kiến thức gì, trò lĩnh hội kiến thức đó và người người thầy là "kho" kiến thức duy nhất để trò khám phá, lĩnh hội đã qua. Ngày nay, thông tin, tri thức đến với toàn thế giới không giới hạn, rào cản dù đó là ai, ở đâu, làm công việc gì.
Thông tin ào ạt đổ vào đời sống, đầy ắp và có thể giờ này còn mới, vài giờ sau đã thành cũ, vì thế, có những kiến thức khoa học người thầy tích lũy nhiều năm phục vụ cho việc dạy học có thể đã trở thành lạc hậu.
Nếu những người thầy không thường xuyên cập nhật thông tin từ khoa học tới đời sống thì những bài giảng sẽ trở nên thiếu sức thuyết phục trong mắt các thế hệ học sinh thời đại 4.0. Và người người thầy không chỉ cần có kinh nghiệm mà phải biết vận dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào giảng dạy. Đây là áp lực không nhỏ mà mỗi thầy cô giáo thời nay phải vượt qua.
Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn một bộ phận nhà giáo còn chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa, không gắn với thực tiễn đời sống. Nhiều người vẫn áp đặt học trò theo tư duy, tri thức của riêng mình. Rõ ràng những thầy cô giáo như vậy khó có thể dẫn dắt học trò hướng tới những chân trời sáng tạo.
Giáo dục chỉ có thể đổi mới khi nhà giáo đổi mới
Những nhà giáo thành công trong thời đại công nghệ và tri thức là người luôn khát khao học hỏi, luôn mong muốn làm giàu tri thức khoa học, tri thức đời sống cho bản thân và luôn chủ động khi tiếp cận với học sinh.
Thêm nữa, nghề dạy học đòi hỏi người thầy phải nắm được tâm lý đối tượng mình giáo dục. Mà tâm lý học sinh thời nay cũng đã dạng, nhiều góc cạnh như thế giới đa màu sắc. Vì thế, không cách nào khác, mỗi nhà giáo phải tự đúc rút cho mình những bài học kinh nghiệm, tự nâng cao năng lực, trình độ bản thân, hiểu được phương pháp giáo dục tiên tiến để tránh tùy tiện và mắc sai lầm trong quá trình giảng dạy.
Từ sau năm 2020, ngành Giáo dục sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng tích hợp các môn học nhằm phát triển năng lực người học, do đó các nhà giáo càng phải chủ động làm mới mình cả về tư duy và phương pháp giảng dạy.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc mỗi nhà giáo tự đổi mới mình là điểu cần thiết hơn bao giờ hết trong thời buổi hiện nay, bởi lẽ, chìa khóa thành công trong công cuộc đổi mới giáo dục bắt nguồn từ chính những giáo viên được xem là lực lượng nòng cốt.
Mỗi thầy cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, phải đặt toàn bộ lương tâm và trách nhiệm vào công việc chứ không đơn giản là chỉ là dạy cho hết giờ, hết tiết. Giáo viên phải tự ý thức việc nâng cao trình độ cho bản thân trong quá trình giảng dạy chứ không nên chờ đợi vào những lớp tập huấn, bồi dưỡng do ngành tổ chức.
Sự nghiệp "trồng người" đòi hỏi người trồng phải luôn chiến thắng chính mình, vượt trở ngại tâm lý, có tư duy đổi mới và tiên phong trong công cuộc thay đổi bản thân, chiếm lĩnh và cập nhật tri thức để xứng đáng là những đầu tàu đưa giáo dục tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện.
Theo Bảo Minh (GD&TĐ)