Hội thảo do Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Ban Quản lý Chương trình ETEP tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. Tham dự Hội thảo có TS. Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ThS. Lý Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, TS. Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Chương trình ETEP và đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT và gần 200 đại biểu là cán bộ các Sở, Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng và giáo viên các trường phổ thông thuộc 25 Sở GD&ĐT, lãnh đạo, chuyên viên của 8 trường sư phạm chủ chốt tham gia ETEP và Đại học Giáo dục. Về phía đoàn công tác của Trường Đại học Vinh có TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm, TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Trưởng khoa Giáo dục.


TS Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Hội thảo nhằm thu nhận những ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung, phản biện cho dự thảo mới này để Thông tư sửa đổi, cập nhật những điểm mới phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tính pháp lí, tính khoa học, tính thực tiễn và phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý trong hoạt động bồi dưỡng thường xuyên trong giai đoạn mới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GV&CBQL, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông mới.


TS Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Chương trình ETEP: "Trong quá trình bồi dưỡng  GV& CBQLGD, các đơn vị tham gia BD cũng cần được quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của mình cũng như việc phối kết hợp của các bên liên quan"

Trước khi chia nhóm thảo luận, các đại biểu nghe các báo viên trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác bồi dưỡng thường xuyên như: "Ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và xây dựng học liệu bài giảng điện tử" (TS. Phạm Văn Hải, Chuyên gia tư vấn Chương trình ETEP), "Tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo hình thức qua mạng: từ vấn đề lý luận và thực tiễn đến chính sách quản lý" (PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), "Ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên phổ thông, mầm non và giáo dục thường xuyên" (TS. Đinh Tuấn Long, Viện ĐH Mở Hà Nội); "Cơ chế phối hợp trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục" (Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hoà), "Những điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế bồi dưỡng thường xuyên" (TS. Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng, Cục NG&CBQLGD)…


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trong bối cảnh ngành giáo dục đang tập trung đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (GV&CBQLGD) đang có nhiều thay đổi về nội dung, phương pháp, tổ chức bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu mới. Các đại biểu bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến công tác bồi dưỡng thường xuyên. Đó là:

- Những quy định về xây dựng tài liệu, học liệu số cũng như cách thức tổ chức, đánh giá kết quả bồi dưỡng qua mạng như thế nào để đảm bảo hiệu quả, trong khi trình độ, năng lực sử dụng CNTT của các GV&CBQLGD khác nhau và điều kiện của mỗi cá nhân, địa phương cũng khác biệt.

- Vai trò, trách nhiệm, sự phối kết hợp của bên liên quan, từ cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đến đơn vị sử dụng đội ngũ, từ cơ quan quản lý cấp trung ương đến địa phương, sở/phòng GD&ĐT, nhà trường cho đến mỗi GV&CBQLGD nhằm phát huy tính chủ động của từng cá nhân, đơn vị cũng như tính tích cực của cả quá trình bồi dưỡng.


Các đại biểu thảo luận sôi nổi

Trong việc phối hợp này, về quản lý, Bộ GD&ĐT là đơn vị chỉ đạo, ban hành văn bản và hướng dẫn triển khai, giám sát, kiểm tra đánh giá công tác bồi dưỡng, các sở/phòng GD&ĐT địa phương trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai của Bộ GD&ĐT chỉ đạo, tổ chức, đánh giá, giám sát việc bồi dưỡng cho từng cấp học, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Các trường phổ thông thực hiện tổ chức triển khai bồi dưỡng cho GV&CBQLGD tại trường mình.

Trong hoạt động bồi dưỡng GV&CBQLGD, các cơ sở đào tạo, các trường sư phạm không chỉ đóng vai trò biên soạn tài liệu, chương trình bồi dưỡng, trực tiếp làm báo cáo viên cho các khóa BD như trước đây, mà còn phải là chủ thể tổ chức nghiên cứu, đánh giá năng lực đội ngũ, nhu cầu phát triển nghề nghiệp cùng với các địa phương, trường học…

Các cơ sở đào tạo phải coi việc phát triển chương trình bồi dưỡng GV&CBQLGD là một nhiệm vụ mang tính chiến lược cho sự phát triển của chính nhà trường và đóng vai trò nòng cốt, chủ công trong hoạt động bồi dưỡng. Đây cũng chính là cơ hội để cơ sở đào tạo gắn lý thuyết với thực hành nghề nghiệp, gắn cơ sở đào tạo với nhà sử dụng, qua đó thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục.


Tranh luận để đi đến thống nhất

Các địa phương, trường phổ thông với tư cách vừa là đơn vị quản lý trực tiếp đội ngũ vừa là nơi sử dụng sản phẩm bồi dưỡng, quan hệ của trường phổ thông với các cấp QLGD là quan hệ dọc, trong hệ thống quản lý có sự phân cấp hết sức rõ ràng. Nhưng với các cơ sở đào tạo là quan hệ "cung - cầu", là quan hệ cộng tác, đối tác. Mối quan hệ này giữ vai trò điều tiết, tạo ra sự phù hợp giữa bồi dưỡng và nhu cầu sử dụng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động của cả hai bên. Kết quả của quá trình bồi dưỡng do cả cơ sở đào tạo GV&CBQLGD và trường phổ thông thực hiện, vừa đan xen, vừa kế tiếp nhau.


Đại biểu Trường Đại học Vinh

Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới công tác bồi dưỡng GV&CBQL đòi hỏi quy chế bồi dưỡng thường xuyên phải có sự thay đổi, bổ sung, cập nhật tương thích để tiếp tục phát huy vai trò của nó trong công tác quản lý, hướng dẫn và đánh giá hoạt động bồi dưỡng thường xuyên GV&CBQLGD.

Thông 26 sửa đổi sẽ đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục./.

Nguồn: BQL ETEP TƯ