Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Thế giới và gần 100 đại biểu, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, Ban Quản lý Chương trình ETEP, 8 trường sư phạm tham gia ETEP, Đại học Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, các Sở GD&ĐT và Trường Dự bị đại học dân tộc.


Ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng Phát triển nhà giáo và Cán bộ QLGD, Cục Nhà giáo và CBQLGD phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh việc xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

Phiên thảo luận về chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm thu nhận được nhiều ý kiến của các lãnh đạo, giảng viên kỳ cựu, tâm huyết như GS Đinh Quang Báo, GS Phạm Hồng Quang, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cùng rất nhiều giảng viên có kinh nghiệm đến từ các trường ĐHSP, học viện QLGD. Các đại biểu rà soát và hoàn chỉnh các chương, các điều, dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn hoá và xác định khái niệm giảng viên sư phạm, giảng viên chủ chốt, xác định lại phạm vi khái niệm giảng viên sư phạm...

Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm được nghiên cứu khá công phu với sự chủ trì của Trường ĐHSP - Đại học Thái Nguyên và sự tham gia của 08 cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên chủ chốt trong cả nước (Trường ĐHSP Hà Nội 1, Trường ĐHSP Hà Nội 2, Trường ĐHSP Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường ĐHSP Huế, Trường ĐHSP Đà Nẵng, Trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý giáo dục). Kết quả nghiên cứu xây dựng Chuẩn đã được một Hội đồng khoa học độc lập đánh giá, thông qua, sau khi gửi xin ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục, các bên liên quan và thảo luận, góp ý nhiều lần tại nhiều kỳ Hội thảo về Chuẩn giảng viên sư phạm được Bộ GD&ĐT và các trường ĐHSP chủ chốt tổ chức. Sau mỗi cuộc hội thảo, Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý.


Phiên thảo luận về Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm

Dự thảo Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm cũng đã được tổ chức đánh giá thử đối với giảng viên sư phạm của 08 cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên chủ chốt. Sau đánh giá thử, Chuẩn tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung.

Ý kiến các đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm đã chuẩn hóa các chức năng, nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp đặc thù của người giảng viên. Các tiêu chuẩn và tiêu chí tập trung làm rõ năng lực của người giảng viên sư phạm ở các hoạt động: giảng dạy, đánh giá kết quả dạy học; Phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; Nghiên cứu khoa học; Hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn người học; Xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu; Tự bồi dưỡng và phát triển bản thân; Hợp tác với cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.


Tại phiên thảo luận về Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, các đại biểu nêu nhiều ý kiến đóng góp cho nội dung và hình thức thể hiện văn bản, ví dụ như cần làm rõ  một số khái niệm "quản lý", "quản trị" nhà trường của hiệu trưởng trường phổ thông, khái niệm về năng lực "chuyên môn" của hiệu trưởng được hiểu là chuyên môn giảng dạy hay lãnh đạo, quản lý; Cần nhấn mạnh chuyên môn quản lý, lãnh đạo của hiệu trưởng với tầm nhìn, tư duy giáo dục… Đặc biệt là cách thức đánh giá hiệu trưởng đảm bảo tính khách quan.

PGS.TS Hoàng Yến, Đại học Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Chuẩn hiệu trưởng cần có tính phổ quát hơn, phạm vi ứng dụng rộng rãi hơn trong bối cảnh công nhận, khuyến khích phát triển các trường tư thục, dân lập, để Dự thảo Chuẩn hiệu trường có sức sống lâu bền.


Bà Nguyễn Thu Hà, Trường THPT Tử Đà, Phú Thọ cho rằng: Bản Dự thảo Chuẩn hiệu trưởng khá rõ ràng, các đối tượng tham gia đánh giá đều có liên quan đến hiệu trưởng. Tiêu chuẩn, tiêu chí được cụ thể hoá trong phụ lục, dễ đánh giá. Tuy nhiên, nên diễn đạt theo cấu trúc có chủ thể là hiệu trưởng để đảm bảo sự nhất quán…

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, Học viện Quản lý giáo dục, đại diện nhóm nghiên cứu Chuẩn hiệu trưởng chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, lắng nghe ý kiến của 63 Sở GD&ĐT, lấy ý kiến trên mạng, kết quả cho thấy, vùng lõm của năng lực hiệu trưởng tập trung ở quản trị tài chính, nhân sự… là những căn cứ thực tế để nhóm nghiên cứu đề xuất bản dự thảo..

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo "Thông tư Ban hành quy định chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông" và Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ (moet.gov.vn) vào ngày 26/2//2018, lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội. Hai Dự thảo này đã thu hút sự quan tâm và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học và dư luận xã hội. Trước khi công bố hai bản dự thảo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước.

Dự thảo Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm và Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông được hoàn thiện, thông qua và ban hành sẽ góp phần phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên sư phạm và đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.  

Đặng Thị Huệ (BTT ETEP)