Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Thúy Hồng - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Chương trình phát triển các trường sư phạm (ETEP); GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường ĐHSP cùng gần 400 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm, các sở giáo dục và đào tạo, nhiều nhà khoa học thuộc các viện, hội và các trường đại học thuộc Phần Lan, Thái Lan, Lào.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Chương trình ETEP, các nhà khoa học, các nhà quản lý chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế là xu thế phát triển tất yếu, đang tác động mạnh mẽ đến các trường đại học, làm thay đổi chức năng của trường đại học. Trường đại học sư phạm phải đi đầu trong việc đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo - bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để đội ngũ này có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông.
PGS.TS. Thái Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, Phó Trưởng Ban Tổ chức báo cáo đề dẫn Hội thảo
GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu
PGS.TS. Nguyễn Thúy Hồng - Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLGD, Giám đốc Chương trình ETEP phát biểu
PGS.TS. Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lương, Bộ GD&ĐT phát biểu
GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Chủ tịch CLB Hiệu trưởng các trường ĐHSP phát biểu
Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề "Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm" đã tạo ra diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà quản lý trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm, đề xuất mô hình, quy trình, giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Có 90 báo cáo được gửi đến tham dự Hội thảo, trong đó có báo cáo của các tác giả quốc tế đến từ các quốc gia: Ba Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, Úc, Singapore, Thái Lan, Lào. PGS.TS. Đặng Thị Quỳnh Hương từ Trường Đại học Rouen (Pháp) đã trình bày báo cáo trực tuyến qua mạng Internet với chủ đề "Giới thiệu mô hình và cải cách hệ thống đào tạo giáo viên tại Pháp năm 2013".
Các báo cáo tham dự Hội thảo tập trung vào một số hướng chính:
- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
- Thực trạng và giải pháp đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông;
- Vận dụng kinh nghiệm quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông vào Việt Nam.
PGS.TS. Phạm Minh Hùng báo cáo: Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong giai đoạn hiện nay - thực trạng và giải pháp
PGs.TS. Phạm Hoàng Quân báo cáo: Ưu thế của mô hình đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành
ThS. Nuchsara Choksuansup báo cáo: Đào tạo giáo viên ở Thái Lan - Thành công và thách thức
PGS.TS. Bùi Minh Đức báo cáo: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong đào tạo giáo viên
Nhóm tác giả Maria Saarijarvi báo cáo: Chất lượng và những điểm mạnh của đào tạo giáo viên ở Phần Lan
PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ báo cáo: Cải cách công tác đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới
TS.NGƯT. Trần Trung Dũng báo cáo: Bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông
PGS.TS. Đặng Quốc Bảo: Ba việc cần làm để có đội ngũ người thầy tiên tiến
ThS. Sivone Ruevaibounthavy báo cáo: Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên của các trường đại học Nước CHDCND Lào
TS. Trần Thị Ngọc Yến báo cáo: Đào tạo và quản lý giáo viên phổ thông - Góc nhìn so sánh giữa New Zealand và Việt Nam
TS. Nguyễn Ngọc Hiền báo cáo: Phát triển chương trình đào tại giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và cách mạng công nghiệp 4.0
PGS.TS. Đặng Thị Quỳnh Hương - Trường Đại học Rouen (Pháp) trình bày báo cáo trực tuyến: "Giới thiệu mô hình và cải cách hệ thống đào tạo giáo viên tại Pháp năm 2013"
Các đại biểu theo dõi các báo cáo treo trước Hội trường
Các báo cáo trình bày tại hội thảo và các ý kiến thảo luận thống nhất khẳng định:
1. Đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành là xu hướng chung trên thế giới, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giảng viên sư phạm tại các cơ sở đào tạo giáo viên cần phải theo xu hướng trên để hội nhập với giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới.
2. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giảng viên sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ:
- Tái cấu trúc trường để phù hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn mới.
- Đổi mới tư duy trong quản trị trường đại học.
- Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ trình độ, đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giảng viên sư phạm trong giai đoạn hiện nay.
- Phát triển chương trình đào tạo gắn với việc không ngừng đổi mới chương trình để các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có tính linh hoạt, mềm dẻo, thực tiễn cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng trong giai đoạn hiện nay.
- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, xưởng thực hành, trường thực hành để gắn việc đào tạo lý thuyết với khả năng thực hành và thích ứng cao của sinh viên với thế giới việc làm. Chú trọng việc ứng dụng các công nghệ trong đào tạo, quản lý.
- Chăm lo cho người học để người học thực sự có môi trường học tập, rèn luyện, nghiên cứu tốt. Quá trình đào tạo phải bồi dưỡng cho sinh viên lòng say mê nghề nghiệp, nhấn mạnh vai trò của người thầy, cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
3. Cần tập trung quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giảng viên sư phạm theo hướng tinh gọn, tập trung, phù hợp với giáo dục phổ thông của địa phương, văn hóa vùng miền; xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo vệ tinh trên cơ sở xác định các cơ sở hạt nhân/chính đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lýgiáo dục.
Các trao đổi tại Hội thảo của các nhà khoa học, các nhà quản lý cơ sở giáo dục
4. Hội thảo thống nhất một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị có liên quan:
4.1. Sớm quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý giáo dục.
4.2. Quan tâm xây dựng chế độ chính sách phù hợp để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, xây dựng môi trường làm việc của nhà giáo để nhà giáo có điều kiện cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo của đất nước.
4.3. Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm để công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện nhất quán/thống nhất trong tất cả các nhà trường, cơ sở đào tạo.
Tham dự Hội thảo, Giám đốc Chương trình ETEP, Chủ tịch Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm đã khẳng định những đóng góp to lớn của Trường Đại học Vinh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý giáo dục; đánh giá Trường Đại học Vinh là đơn vị đầu tiên tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế theo Chương trình ETEP với sự quan tâm đầy trách nhiệm của lãnh đạo Nhà trường (các đồng chí lãnh đạo Trường đều có báo cáo tham gia Hội thảo); Hội thảo đã tạo ra một không gian mở - đẹp - tốt để các nhà khoa học có cơ hội/dịp trao đổi sâu sắc về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý giáo dục.
Hội thảo nhất trí rằng: các kết luận của Hội thảo không khép lại trên các trang giấy mà điều quan trọng nhất là sự quyết tâm "lột xác thực sự" của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý giáo dục.
Các tiết mục văn nghệ của sinh viên Trường Đại học Vinh chào mừng Hội thảo
Bài và ảnh: HN